Các quy định văn bản có liên quan

Quyết định 5424 của UBND thành phố

Ngày 15-10-1998, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 5424/QĐ-UB-QLĐT về quản lý rác dân lập với mong muốn tạo điều kiện cho những người thu gom rác dân lập hoạt động tốt hơn trong một tổ chức, đồng thời để công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này cũng sẽ trở nên tốt hơn.

Qua gần 8 năm thực hiện quy chế này, hoạt động thu gom rác dân lập tại các quận 1, 3, 5, 6, 8, 10, Gò Vấp, Tân Bình đã hình thành và phát triển khá tốt. Cụ thể như: đã đưa lực lượng thu gom rác dân lập đi vào hoạt động trong một tổ chức là nghiệp đoàn do Liên đoàn Lao động quận và UBND phường/xã trực tiếp quản lý.

Hơn thế nữa, tại một số quận như quận 4, 9, 8 và Thủ Đức đã tiến lên một bước chuyên nghiệp hơn nữa là hình thành các Hợp tác xã (HTX) thu gom chất thải rắn đô thị. Tuy nhiên mô hình của các HTX này hiện tại còn rất đơn giản và chưa chuyên nghiệp.

Đơn giản ở chỗ, các HTX này mới chỉ được thành lập để thu gom được tối đa chỉ một phường của quận, chưa thể sang các địa bàn phường khác để thu gom. Chưa chuyên nghiệp ở chỗ “xuất phát điểm” của các HTX này là từ các HTX nông nghiệp hoặc các HTX thực hiện các dịch vụ khác không liên quan đến chất thải rắn nên thu gom chất thải rắn chỉ là một mảng nhỏ “không chuyên” trong hoạt động của các HTX này.

Ngoài ra, các HTX này vẫn chưa nhận được nhiều hỗ trợ từ phía thành phố nên hoạt động còn rất manh mún. Lực lượng làm rác dân lập hầu chưa chấp hành tốt các quy định của ngành như ra điểm hẹn không đúng theo quy định, cơi nới thùng xe để chất thêm rác, gây ô nhiễm môi trường, thu phí thu gom rác không theo quy định.

Đặc biệt, trong lực lượng rác dân lập vẫn còn rất phổ biến hiện tượng tuỳ tiện tự bỏ thu gom rác mà không có lý do. Ngoài những mặt hạn chế tự thân của lực lượng thu gom rác dân lập, còn phải kể đến sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, vai trò quản lý trực tiếp và toàn diện của UBND phường/xã đối với lực lượng này.

Các cán bộ chuyên trách do phải kiêm nhiệm nên không thể thực hiện tốt vai trò quản lý, điều hành và giám sát hoạt động thu gom rác dân lập. Định hướng phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững của thành phố trong thời gian sắp tới, việc còn tồn tại những hạn chế trên là không phù hợp và khó có thể chấp nhận được.

Qua quá trình quản lý và tác nghiệp, những nguyên nhân chính của các tồn tại trên được rút ra gồm: (1) nội dung của Quy chế 5424/QĐ-UB-QLĐT đưa ra còn chưa hợp lý, không còn phù hợp với thực tế (thời gian thu gom rác không hợp lý, mức thu phí thấp, các biện pháp chế tài còn yếu,…), (2) nghiệp đoàn rác dân lập chỉ là một tổ chức nghiệp đoàn nghề xã hội không phải là một tổ chức kinh tế do đó không kích thích người thu gom rác cung cấp các sản phẩm có chất lượng cao về mặt kinh tế và môi trường – xã hội.

Do vậy, để hoạt động của các Nghiệp đoàn rác dân lập nói riêng và của lực lượng thu gom rác dân lập nói chung đáp ứng được yêu cầu mới, lực lượng này cần phải được định hướng thành các tổ chức kinh tế hoạt động cung cấp dịch vụ thu gom chất thải rắn đô thị; cụ thể là các HTX hay các doanh nghiệp kinh tế hoạt động có quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn góp phần nâng cao chất lượng vệ sinh đô thị của thành phố.

Theo đó, trong thời gian tới cần có một Quy chế phù hợp để khuyến khích và hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập hiện tại tự đi lên thành các tổ chức kinh tế hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và các luật khác có liên quan hoặc tham gia vào các tổ chức kinh tế có sẵn.

Khi đã tham gia vào tổ chức này thì hoạt động của lực lượng thu gom rác sẽ được định hướng chính xác theo pháp luật, theo các quy định của ngành, từ đó tạo ra các sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao cung cấp cho người dân và xã hội.

Trần Phi Hùng
(Sở Tài nguyên và Môi trường)

Quyết định 88

(LĐ) – Quyết định 88, ngày 22.12.2008 (có hiệu lực từ 1.1.2009) của UBND thành phố về mức thu phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn đã gây ra những phản ứng của lực lượng thu gom rác dân lập.

Theo Quyết định 88, người thu gom rác dân lập chỉ làm nhiệm vụ là tổ chức thu gom rác, phí thu gom rác sẽ do cán bộ phường đi thu. Nguồn thu sẽ được thanh toán trở lại các đường dây thu gom rác dân lập sau khi đã trích lại 20% phí bảo vệ môi trường. Trước khi Quyết định 88 có hiệu lực thì mức phí sẽ do các đường rác dân lập tự ấn định. Những quy định này đã đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của các đường dây thu gom rác dân lập – vốn đã tồn tại song song với các Cty dịch vụ công ích.

Lực lượng thu gom rác dân lập từ trước đến nay tự sinh tự dưỡng, làm được đồng nào bỏ túi đồng đó. Trên thực tế, quyền thu gom rác và thu phí (gọi là đường rác) được mua bán, chuyển nhượng trong lực lượng thu gom rác dân lập (số tiền chuyển nhượng 1 đường rác tuỳ vào lớn – nhỏ, tương đương nguồn thu của đường rác từ 20-30 tháng).

Trong buổi gặp mặt giữa Sở Tài nguyên – Môi trường và lực lượng thu gom rác dân lập trên địa bàn quận Thủ Đức ngày 14.5, các đường rác dân lập phản ứng đối với Quyết định 88. Một trong những quy định bị phản ứng gay gắt nhất, đó là việc phải trích lại 20% cho phí bảo vệ môi trường. Mà theo một đại diện của Nghiệp đoàn Thu gom rác quận Thủ Đức thì họ tự bỏ tiền ra mua đường rác, tự trang bị phương tiện, nhân lực thu gom rác, không lý gì chính quyền đứng giữa thu tiền.

Theo tính toán, thực hiện Quyết định 88, thực thu của các đường dây thu gom rác dân lập trên địa bàn quận Thủ Đức là 12.000 đồng/tháng/hộ mặt tiền đường và 9.000 đồng/tháng/hộ trong hẻm. Trước đó, mức thu phí mà các đường dây thu gom rác dân lập trên địa bàn phường Trường Thọ, quận Thủ Đức ấn định là 15.000 đồng đối với các hộ dân trong hẻm và 20.000 đồng đối với hộ dân ngoài mặt tiền đường. Như vậy, so sánh mức thu nhập trước và sau khi thực hiện Quyết định 88, rõ ràng là nguồn thu của các đường dây thu gom rác dân lập bị ảnh hưởng.

Đối với các quận, huyện ngoại thành, Quyết định 88 ấn định mức thu phí thấp hơn so với trước đây, cộng với việc trích lại 20% phí bảo vệ môi trường đã lập tức gây ra những phản ứng trong lực lượng thu gom rác dân lập. Trên địa bàn quận 12, một số đường dây thu gom rác đã không tổ chức thu gom rác để tạo áp lực. Một số nghiệp đoàn thu gom rác dân lập cũng có phản ứng, nhưng ôn hoà hơn.

Chẳng hạn, Nghiệp đoàn Thu gom rác quận Bình Thạnh kiến nghị, chỉ trích lại tối đa từ 5 đến 10% tổng nguồn thu của phí thu gom rác cho chính quyền để phục vụ công tác bảo vệ môi trường.

1. Đối với hộ gia đình: Nội thành: 20.000 đồng/tháng (mặt tiền đường), 15.000 đồng/tháng (trong hẻm). Ngoại thành – vùng ven: 15.000 đồng/tháng (mặt tiền đường), 10.000 đồng/tháng (trong hẻm).2. Đối tượng ngoài hộ dân:
– Nhóm 1: Các quán ăn – uống, cơ sở thương nghiệp nhỏ, trường học, thư viện, cơ quan hành chính sự nghiệp có khối lượng chất thải rắn phát sinh dưới 250kg/tháng: 60.000 đồng/cơ sở/tháng.

– Nhóm 2: Các quán ăn – uống, cơ sở thương nghiệp nhỏ, trường học, thư viện, cơ quan hành chính sự nghiệp có khối lượng chất thải rắn phát sinh từ 250kg/tháng đến 420kg/tháng: 110.000 đồng/tháng.

– Nhóm 3: Nhà hàng, khách sạn, cơ sở thương nghiệp lớn, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, rác sinh hoạt từ các cơ sở sản xuất, y tế, địa điểm vui chơi, công trình xây dựng… 176.800 đồng/m3/tháng (1m3 rác = 420kg rác).   (Nguồn: Quyết định 88)

 

Bình luận về bài viết này